Trước ngày Tết Nguyên đán người Việt đã có nhiều phong tục đặc biệt, tùy vào từng địa phương. Dưới đây là những phong tục phổ biến nhất.
Dọn dẹp, trang trí nhà cửa
Đây cũng là một phong tục đón Tết Nguyên đán phổ biến trên mọi miền đất nước. Để đón năm mới trong niềm hân hoan, các gia đình đều dọn dẹp, sửa sang và trang hoàng nhà cửa thật đẹp. Tất cả các đồ dùng trong gia đình đều được dọn dẹp, lau chùi để mọi thứ để trở nên mới mẻ. Đồng thời, thêm cây quất, cành đào (mai), câu đối… để không gian thêm sắc màu, ấm cúng.
Lễ cúng ông Công ông Táo
Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, nhà nhà đều thu dọn nhà cửa, bếp sạch sẽ rồi làm lễ cúng tiễn ông Táo lên trời. Theo sự tích ông cha ta để lại thì ông Công là Thổ Công là vị thần cai quản đất đai còn ông Táo là thần bếp, hay còn được gọi là Táo Quân. Ông Công ông Táo gồm hai ông, một bà, có trách nhiệm theo dõi mọi việc xảy ra trong gia đình rồi trình bào cho Trời.
Đến trưa ngày 23 ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép về trời để báo cáo mọi điều lên quan đến gia chủ trong một năm. Do đó, hàng năm người dân Việt Nam đều tổ chức cúng ông Công ông Táo. Lễ cúng có thể thực hiện từ ngày 21 âm lịch và nhẫn định phải làm trước buổi trưa ngày 23 để kịp tiễn ông Táo lên trời.
Thăm mộ tổ tiên
Đây là một phong tục thể hiện truyền uống nước nhớ nguồn, sự hiếu nghĩa của người dân Việt Nam. Theo đó, từ ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp (âm lịch), con cháu trong gia đình sẽ tề tựu đông đủ cùng nhau đi thăm, quét dọn mồ mả tổ tiên. Đồng thời, đem theo hương đèn hoa quả để cúng, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu.
Ngoài ra, cũng trong dịp cuối năm các gia đình thường tiến hành lễ tạ mộ. Đây là nghi lễ thể hiện lòng hiếu thảo, để giáo dục cho đời sau biết tri ân các bậc tiền nhân. Về góc độ phong thủy thì lễ tạ mộ là cách để con cháu cảm ơn thần linh, thổ địa khu vực có mộ phần đã cho các cụ nương nhờ mảnh đất đó. Nhờ vậy các cụ mới dễ dàng "đi về" mà phù hộ cho con cháu….
Làm lễ Tất niên
Tất niên có thể hiểu đơn giản là hoàn tất công việc của năm cũ. Theo phong tục, đến thời điểm tất niên, các gia đình đều sẽ nhanh chóng thanh toán mọi nợ nần, xóa bỏ những xích mích trong năm cũ để hướng tới một năm mới thuận hoà. Đồng thời, vào chiều 30 Tết, khi đã hoàn thành xong mọi công việc thì các gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cơm cúng tổ tiên ông bà.