Những điều đại kỵ khi cúng ông Công ông Táo - Không thể bỏ qua
Cúng ông Công ông Táo là một trong những dịp lễ quan trọng của người Việt. Tuy nhiên, khi cúng ông Công ông Táo các gia đình cần chú ý để không mắc những sai lầm có thể ảnh hưởng đến tài lộc dưới đây.
Ông Công ông Táo là một tín ngưỡng dân gian lâu đời ở nước ta. Theo các sự tích được kể lại thì ông Công, ông Táo là các vị thần bếp (Táo Quân) cai quản cuộc sống của toàn bộ gia đình. Hàng năm, đến ngày 23 tháng Chạp Táo Quân lại cưỡi cá chép bay lên Thiên Đình để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng.
Do đó, vào tối 22 hoặc sáng 23/12 âm lịch, các gia đình thường làm lễ cúng để tiễn ông Táo về trời. Tuy nhiên, dù là lễ cúng hàng năm nhưng không phải gia đình nào cũng nắm được chính xác các quy trình, phong tục của lễ cúng truyền thống này. Dưới đây là một số sai lầm trong việc cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp mà nhiều gia đình đang mắc phải.
1/ Đặt mâm lễ cúng ông Công ông Táo dưới bếp
Nhiều người quan niệm ông Công là thần thổ công cai quản đất đai trong nhà và cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà, còn ông Táo là 23 vị đầu rau trông coi việc bếp núc nên cúng ở dưới bếp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian thì việc cúng lễ như vậy là không đúng với phong tục, quy tắc truyền thống lâu đời của người Việt.
Bởi theo truyền thống, tất cả các vị thần này đều được thờ trên ban thờ chính của gia đình. Bếp lại là nơi đun nấu, không phù hợp để cúng lễ. Do đó, mâm cỗ cúng 23 tháng Chạp cần được thực hiện ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà.
2/ Khấn xin tài lộc, sung túc
Nếu tìm hiểu về ý nghĩa lễ cúng ông Công ông Táo thì bạn sẽ thấy rằng lễ này mang ý nghĩa tiễn ông Công ông Táo về trời để báo cáo những việc lớn nhỏ trong năm của các gia đình ở hạ giới với Ngọc Hoàng. Do đó, các gia đình không nên khấn xin tài lộc sung túc mà chỉ nên khấn xin Táo báo những việc tốt đẹp trong năm.
3/ Cúng lễ ông Công ông Táo sau buổi trưa ngày 23 tháng Chạp
Đây là một sai lầm nghiêm trọng bởi theo tín ngưỡng dân gian, 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp là lúc ông Công ông Táo bay về chầu trời. Do đó, việc cúng lễ cần được hoàn thành trước giờ này. Thông thường, các gia đình có thể cúng từ ngày 21 tháng Chạp đến trước 12 giờ trưa của ngày 23. Đến khi thấy hương cháy hết 2/3 thì có thể hóa vàng mã, phóng sinh cá chép (thả nhẹ nhàng xuống ao, hồ, sông, suối…) để tiễn ông Táo về trời.