Mâm ngũ quả được xem là nét đặc trưng của Tết Việt. Vậy mâm ngũ quả gồm những quả gì, có cố định không? Tại sao các mâm ngũ quả thường có các loại hoa quả khác nhau nhau? Chúng ta cùng tìm hiểu về mâm ngũ quả qua bài viết này nhé!
Cùng với bánh chưng xanh, câu đối đỏ, hoa đào hoặc hoa mai thì mâm ngũ quả là thứ không thể thiếu trên bàn thờ các gia đình mỗi khi Tết đến Xuân về. Không chỉ tạo điểm nhấn, làm không gian cúng thêm ấm áp, hài hòa, rực rỡ, mâm ngũ quả còn thể hiện sinh động ý tưởng triết lý - tín ngưỡng - thẩm mỹ của người Việt Nam. Là nơi gửi gắm ước nguyện của các gia đình.
Thường thì mâm ngũ quả sẽ có 5 loại được bày trên một cái mâm bằng gỗ tiện, sơn son, có chân, gọi là mâm bồng. Cũng có gia đình chọn bày mâm ngũ quả trên một cái đĩa to rồi đặt trên chồng bánh chưng để tạo dáng cao, thể hiện uy nghiêm, thành kính. Xuất xứ của 5 loại quả có liên quan đến quan niệm triết lý Khổng giáo của Phương Đông, ứng với yếu tố “ngũ hành” gồm Kim - Mộc - Thuỷ - Hỏa - Thổ
Ngoài ra, “ngũ” còn có thể liên tưởng đến ngũ phúc lâm môn gồm Phúc, Quý, Thọ, Khang, Ninh. Thể hiện ước muốn của người Việt về một năm mới giàu có, an khang và thịnh vượng. 5 loại quả trên mâm ngũ quả cũng không cố định mà thường thay đổi tùy theo từng vùng, từng đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng.
Ví dụ mâm ngũ quả của người Bắc bao giờ cũng có nải chuối màu xanh, tương ứng với hành mộc. Chính giữa là quả bưởi vàng hoặc phật thủy ứng với hành thổ. Xen kẽ giữa chuối, bưởi là hồng xiêm, nho, mận hoặc bất kỳ quả màu sẫm nào để tượng trưng cho hành thủy. Quả roi màu trắng, sáng để tượng trưng cho hành kim và cuối cùng là táo, dưa hấu, ớt hoặc thanh long để ứng với hành hỏa.
So với người Bắc, người miền Nam lại trọng về ý nghĩa của các loại quả hơn. Do đó, mâm ngũ quả của người miền Nam thường có các loại quả như mãng cầu, sung, dừa xiêm, đu đủ, xoài. Trong đó, quả mãng cầu là cầu chúc cho mọi điều đều như ý; quả sung thể hiện mong muốn sung mãn về sức khỏe, tiền bạc; quả dừa, phát âm tương tự như "vừa", có nghĩa là không thiếu; quả xoài, phát âm na ná như là "xài" - cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn; quả đu đủ với mong muốn mang đến một năm đủ đầy, thịnh vượng….
Riêng người miền Trung lại không quá câu nệ hình thức hay ý nghĩa mà chỉ cần hoa quả tươi ngon và gia chủ thành tâm dâng kính tổ tiên là được.