Những sai lầm về tiền bạc có thể khiến "hôn nhân tan vỡ"
Trong nhiều trường hợp không phải tính cách hay người thứ 3 mà chính thói quen tài chính không hợp lý khiến vợ chồng mâu thuẫn, thậm chí có thể dẫn đến ly hôn.
1/ Giữ tài khoản ngân hàng riêng biệt
Phần lớn cặp vợ chồng dùng chung tiền bạc và kết hợp tài khoản ngân hàng hoặc có quỹ tài chính chung. Chỉ có một số ít quyết định giữ riêng và tiền ai nấy tiêu. Tuy nhiên, việc tiêu riêng đã khiến những cặp đôi này bỏ quan nhiều lợi ích của chi tiêu chung. Đặc biệt là việc có mục tiêu chung, kế hoạch, vai trò rõ ràng để tích góp hướng tới tương lai chung.
2/ Không thảo luận sớm về tài chính
Thống kê cho thấy gần một nửa số cặp vợ chồng người Mỹ (45%) đã thảo luận về tài chính ngay trong vòng ba tháng đầu tiên kết hôn. Chỉ có khoảng 5% chờ 3 – 5 năm mới tiến hành thảo luận và đây cũng là một sai lầm lớn. Bởi nếu không sớm thảo luận về tài chính, bạn sẽ không thể biết bạn đời có cùng quan điểm trong việc xử lý tài chính không. Điều này kéo theo nhiều tranh cãi, sự khó chịu, thậm chí là thất vọng. Do đó, tốt nhất là hãy thảo luận sớm để xác định cách đưa ra quyết định về tài chính, phân chia các khoản thanh toán để mối quan hệ được tính cực ngay từ đầu.
3/ Không thích thảo luận về tiền bạc
Nhiều gia đình rất thoải mái khi trò chuyện với nhau về tiền bạc. Tuy nhiên, nhiều không phải là tất cả, vẫn tồn tại những cặp đôi không thích thảo luận về tiền bạc. Thay vì cho rằng cùng ngồi xuống thảo luận là hành động thân mật thì những cặp đôi này chỉ thấy rắc rối, khó chịu. Tuy nhiên, đây có thể là điểm khởi đầu của sự xa cách. Những cặp đôi không thể nói chuyện về tài chính có thể cũng không thân mật trên các phương diện khác. Và cuối cùng, họ sẽ ngày càng xa nhau.
4/ Tranh luận về tài chính quá thường xuyên
Không thảo luận là không tốt nhưng tranh cãi nhiều cũng có thể dẫn đến ly hôn. Theo số liệu thống kê đã được báo cáo thì các cặp vợ chồng đã ly hôn tranh cãi về tài chính thường xuyên hơn những cặp đôi đang duy trì hôn nhân tốt hoặc đang yêu nhau. Bởi các cuộc tranh cãi này có thể đẩy cảm xúc tiêu cực lên cao, khiến vợ hoặc chồng cảm thấy khó chịu về đối phương.
Do đó, thay vì tranh cãi nảy lửa, các chuyên gia cho rằng các cuộc trò chuyện về tiền bạc phải là các cuộc thảo luận cởi mở, tuyệt đối không phải là tranh luận. Hãy chủ động giải thích về nhu cầu và sở thích của bạn, thương thuyết xem các nhu cầu đó thuộc về tập thể là nhu cầu cá nhân để bạn đời hiểu và đi đến quyết định chung, thống nhất trong vui vẻ.